Chuyện ở Đại Học (Phần 1)

Tối hôm qua vô tình lướt Facebook thì trang Confession của trường mình hiện lên bài post của một bạn k17, bạn tâm sự về chuyện học ở Đại Học.
Bạn tâm sự rằng bạn đang stress và căng thẳng vì lượng kiến thức ở Đại Học quá nhiều làm bạn không theo kịp, trong khi đó các bạn cùng khoá lại có vẻ như tiếp thu nhanh hơn bạn. Điều đó làm bạn thêm tự ti và muốn bỏ cuộc.

Trước giờ mình không có thói quen comment lên các Fan page hay Confession, mà vì đọc được bài post của bạn mình thấy sao giống với mình 5 năm về trước quá, vì vậy mình muốn viết một bài chia sẻ ngắn để chia sẻ với các bạn về con đường mình đã đi qua cách đây 5 năm, cũng là con đường mà các bạn sẽ đi, dù ít hay nhiều.

1. “Học Công Nghệ Thông Tin mà Visual Basic là cái gì mà cũng không biết thì nghỉ cha cho rồi!”

Đó là câu trả lời của thằng bạn học Quốc Phòng với mình khi mình hỏi quyển sách dày cui nó cầm trên tay là sách gì. Lúc đó buồn lắm chứ, cảm giác như mình là sinh vật ngoài hành tinh khác rớt xuống chỗ này vậy.
Sau đó vào kí túc xá, (Lúc này gặp thím Trương - Thằng này giỏi từ cấp 3, thi Tin trường quận huyện tỉnh gì đó nó thi hết rồi), nó hỏi mình chứ “Ông biết con trỏ hem, ông biết đệ quy hem, ông biết thuật toán Dijktra, chu trình Hamilton hem” (WTH !!!). Chả hiểu nó nói gì, mình chỉ biết nhe răng cười. :))
Vào lớp học, (Lúc này gặp thím Tú), mình còn đang loay hoay debug cái Hello World thì thím Tú đã bay lên bảng code một cách thần thánh: i++, j++ (WTF !!!).
“Ê mày, i++ là sao mày” - Uy said =]].
Đó, background lập trình của mình là vậy đó :). Rồi mình cũng lê lết qua được 4 năm Đại Học đấy thôi, nên tin vui cho các bạn là dù biết hay không biết nên tảng lập trình, vào Đại Học thì mọi người sẽ cùng một điểm xuất phát lại hết nhé, chỉ là mấy bạn biết trước sẽ có nhiều lợi thế hơn thôi. Mà cũng phải thôi, tại những năm cấp 3 người ta đã bớt thời gian đi chơi, xem phim, la cà để chuyên tâm nghiên cứu rồi còn gì.
Mình có một người bạn từng nói là mình giống như mục tiêu của nó vậy đó, nó sẽ cố gắn phấn đấu cho đến khi qua được mặt mình, để xem thử ai là người đạt được ước mơ của mình sớm hơn. Mình trả lời lại là *”Mình không lấy người khác ra để làm mục tiêu cho mình, mình có những mục tiêu riêng. Mặt khác, mỗi người sinh ra đã có những xuất phát điểm, những nỗ lực khác nhau rồi, tôi không biết con đường bạn đã đi như thế nào và bạn cũng vậy. Vậy sao lại so sánh được?”*

2. Những kiến thức nền ở Đại Học

Sau đây là list những môn học đại cương trong 3 kì đầu.

Toán đại cương:

  • Toán rời rạc: Các bạn sẽ học về Vector, các phép toán trên Vector, đại số Bool, các bảng chân trị, bảng logic, khái niệm cơ bản về đồ thị …
  • Xác suất thống kê: Các bạn sẽ được học về các phép toán tính xác suất, các phép đếm, thống kê …
  • Đại Số B1, B2: Học về cách phép toán xử lý trên ma trận, định thức, không gian vector …
  • Giải tích B1, B2: Học về vi phân, tích phân, đạo hàm …

Những môn này cực kì quan trọng cho những môn khoa học máy tính sau này nên tập trung học cho chắc nhé. Toán rời rạc quan trọng nếu sau này bạn chuyên về thuật toán, giải thuật, lý thuyết đồ thị, automata, trình biên dịch, xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Xác suất thống kê cần nếu bạn làm nhiều về trí tuệ nhân tạo, Data Science, Machine Learning. Đại số tuyến tính ma trận, vector etc. có ứng dụng trong Cryptography, phân tích độ phức tạp thuật toán.

Tin học đại cương:

  • Điện Tử Căn Bản: Môn này học cái gì mình quên rồi, và cũng không biết tại sao mình lại qua môn.
  • Lý Thuyết Mạch Số: Môn này học về các cổng logic AND, OR, XOR, NOT. Các hệ cơ số đếm, các phép toán xử lý trên bit bla bla.
  • Nhập Môn Lập Trình: Môn này nhẹ nhàng thôi, học về mấy cái cực cơ bản như viết “Hế lô bà con”, học các syntax cơ bản: lặp, điều khiển, rẽ nhánh …
  • Lý Thuyết Đồ Thị: Môn này là môn mình thích nhất trong 4 năm Đại Học vì được học với Cô Vân dễ thương. Các bạn sẽ được học về các phép duyệt đồ thị (BFS, DFS), các thuật toán tìm đường đi ngắn nhất (Dijkstra, Floyd + Bellman), các khái niệm về đồ thị (Liên thông, đẳng cấu bla bla), chu trình Euler và Hamilton … Bạn nên đọc thêm quyển: Introduction To Algorithm [THOMAS H. CORMEN, CHARLES E. LEISERSON, RONALD L. RIVEST, CLIFFORD STEIN]
  • Nhập Môn Công Nghệ Thông Tin 1,2: Hai môn này chủ yếu “Cưỡi ngựa xem hoa” cho vui thôi, sẽ giới thiệu cho các bạn về ngành Công Nghệ Thông Tin, các chuyên ngành và các hướng nghiên cứu. Hai môn này nhẹ nhàng, đừng tạo áp lực làm gì.
  • Cơ Sở Dữ Liệu: Học về các khái niệm cơ bản trong hệ thống thôn tin và cơ sở dữ liệu, các hệ thống CSDL và mô hình dữ liệu quan hệ, sử dụng SQL để truy vấn cơ sở dữ liệu, thiết kế cơ sở dữ liệu, phân tích chất lượng của một lược đồ cơ sở dữ liệu.
  • Kiến Trúc Máy Tính và Hợp Ngữ: Học về các cách thiết kế kiến trúc của máy tính, tổng quan về máy tính, kiến trúc MIPS, x86, x32, cách thiết kế CPU của máy tính, các hệ cơ số và cách lưu trữ trên máy tính … Bạn nên tìm đọc thêm quyển Computer Architecture: A Quantitative Approach [John L.Hennessy and David A.Patterson]
  • Hệ Điều Hành: Môn này quan trọng, các bạn cần học thật tốt môn này. Môn này các bạn sẽ được học về cách hệ điều hành làm việc, học về Kernel của OS, hệ thống tập tin FAT32 và FAT64, cách mà OS quản lý và điều phối các tiến trình, đồng bộ hoá giữa các tiến trình, quản lý bộ nhớ trên OS … Bạn nên tìm đọc thêm quyển Operating System Concepts [Silberschatz, Galvin, Gagne].
  • Mạng Máy Tính: Môn này quan trọng, nên đầu tư nhiều thời gian tìm hiểu. Môn này các bạn học về mạng máy tính, cách mà các hệ thống máy tính làm việc với nhau, cách một gói tin được truyền đi trong hệ thống mạng, các khái niệm về mạng máy tính (IP, subnet mark, …), mô hình 7 tầng OSI, sau đó học vào chi tiết từng tầng trong mô hình mạng. Bạn nên tìm đọc thêm quyển Computer Networking: A Top-Down Approach [7th Edition, Kurose & Ross]
  • Lập Trình Hướng Đối Tượng: Môn này các bạn bắt buộc phải nắm vững, học tốt môn này thì bạn có thể học nhanh bất kì ngôn ngữ lập trình nào. Và nên nhớ, sau cùng thì ngôn ngữ cũng chỉ là cái để hiện thực hoá cái ý tưởng của mình thôi. Không nên đặt nặng vấn đề ngôn ngữ lập trình lên hàng đầu mà bỏ qua cơ sở để xây dựng ngôn ngữ đó. Bạn nên tìm đọc thêm Head First Design Pattern [Head First],Design Patterns [Gang Of Four]
  • Kỹ Thuật Lập Trình: Môn này sẽ dạy bạn các khái niệm trong lập trình (Con trỏ, vùng nhớ, ma trận, stack, heap …) và các chiêu thức lập trình rất hay (Quy hoạch động (Dynamic Programming), quay lui (Backtracking), mà cái mình thích nhất là vét cạn (Greedy)) Ahihi.
  • Cấu Trúc Dữ liệu & Giải Thuật: Môn này sẽ dạy bạn các loại cấu trúc dữ liệu trong lập trình (Tree, Stack, Heap, Queue …). Cách sử dụng từng loại dữ liệu trong từng trường hợp cụ thế. Đồng thời còn dạy bạn các giải thuật cơ bản (Sort, Search …), đánh giá độ phức tạp giữa các giải thuật. Khi nào dùng cái này, khi nào dùng cái kia, cái nào tốt hơn, phải đánh đổi cái gì bla bla. Để học tốt môn này thì ngoài giáo trình trên trường, mình nghĩ các bạn nên đọc thêm quyển Introduction To Algorithm [Steven S.Skiena] hoặc Introduction To Algorithm [THOMAS H. CORMEN, CHARLES E. LEISERSON, RONALD L. RIVEST, CLIFFORD STEIN] để tăng nội công.

Ngoài ra để trở thành một lập trình viên có tâm, code ít bug, người khác đọc code của bạn không bị ức chế thì nên đọc thêm những quyển sau: Clean Code [Robert C.Martin], Code Complete [Steve McConnell], Refactoring [Martin Fowler, Steve McConnell], Pragmatic Programmer [Andrew Hunt, David Thomas].

3. Việc chọn chuyên ngành:

Sau 3 học kì đầu các bạn sẽ được chọn chuyên ngành phù hợp với nguyện vọng của mình.
Các bạn sẽ ĐƯỢC CHỌN chuyên ngành chứ không bị ép buộc hay sợ hết slot gì hết nhé, vì có một số bạn inbox hỏi mình chỗ này nên nhân đây mình nói luôn.
Khoa mình hiện có 6 chuyên ngành:

  • Công Nghệ Phần Mềm (Software Engineering): Học về quy trình phát triển phần mềm; Học về cách phân tích yêu cầu phần mềm, thiết kế phần mềm, hiện thực hoá phần mềm và kiểm thử phần mềm.
  • Hệ Thống Thông Tin (Information System): Học cách phát triển, xây dựng các hệ thống thông tin phức tạp, thông minh, tối ưu; Nghiên cứu bảo mật thông tin, rút trích thông tin đa ngôn ngữ.
  • Mạng Máy Tính và Viễn Thông (Computer Networks and Telecommunication): Phát triển các ứng dụng mạng, hệ điều hành cho các thiết bị mạng, phát triển hệ thống.
  • Khoa Học Máy Tính (Computer Science): Khai thác dữ liệu, phân tích và thiết kế thuật toán để tối ưu bài toán, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI)…
  • Công Nghệ Tri Thức (Knowledge Engineering): Nghiên cứu về xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Giọng nói á) hoặc đa phương tiện (File âm thanh); nghiên cứu về mật mã và an ninh thông tin.
  • Thị Giác Máy Tính và Khoa Học Robot (Computer Vision and Robotics): Tích hợp kỹ thuật trong đồ hoạ máy tính và xử lý ảnh số vào thiết bị di động và robot. Hỗ trợ phát hiện, nhận dạng, truy vấn, tái tạo các đối tượng trong các môi trường khác nhau.

Đến giai đoạn này thì các bạn sẽ tự đăng kí môn học cho phù hợp với chuyên ngành của mình. Ví dụ bạn chọn chuyên ngành “Công Nghệ Phần Mềm” thì bạn phải tích luỹ đủ N tín chỉ thuộc các môn phần mềm và phải hoàn thành N môn học bắt buộc trong công nghệ phần mềm.
Một lời khuyên cho các bạn là không nên chỉ chọn học những môn trong phạm vi chuyên ngành của mình, nên chọn học thêm những môn học ở những chuyên ngành khác mà nó hay, nó bổ ích, nó hỗ trợ cho chuyên ngành chính của mình. Ví dụ như bạn chọn Công nghệ Phần mềm thì có thể học thêm các môn khác của Khoa Học Máy Tính như “Phân Tích Độ Phức Tạp Thuận Toán”, “Phân Tích và Thiết Kế Giải Thuật” hay “Chuyên Đề Hệ Điều Hành Linux” hay “Bảo Mật Cơ Sở Dữ Liệu” hay “Khai Thác Dữ Liêu và Ứng Dụng” hay “Máy Học” … Chung quy lại là phải biết lựa môn mà học.
Để tìm hiểu thêm về các chuyên ngành, các bạn tham khảo tại đây Chuyên ngành CNTT

4. Điểm số có thực sự quan trọng?

*”Xuỳ, học là học kiến thức thôi chứ điểm thì có quan trọng gì.”*
Mình nói thẳng luôn là câu này chỉ là câu nguỵ biện của mấy bạn lười làm bài thôi, nếu các bạn làm bài đầy đủ thì điểm của các bạn cũng sẽ xứng đáng với những gì bạn bỏ ra thôi.
Quay lại vấn đề, điểm số ở Đại Học có thật sự quan trọng? Quan điểm của mình là nó không quá quan trọng, nhưng cũng không phải là thứ có thể phớt lờ.
Điểm số, trong Đại Học, một mặt là để bạn khỏi bị đóng tiền học ngu rớt môn, mặt khác nó lại có ý nghĩa quan trọng hơn đối với những bạn cần học bổng để chi trả học phí hay sinh hoạt hàng tháng. Xa xôi hơn là để sau này các bạn có thể Apply các học bổng du học nước ngoài.
Điểm số, ngoài Đại Học, là cái mà nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào đầu tiên (Đối với người mới ra trường) để xem xét xem bạn có qua được vòng gởi xe không. Thử đặt mình vào vị trí nhà tuyển dụng, bạn mới ra trường, họ không biết gì về bạn, họ lấy gì để đánh giá năng lực và con người bạn? Mình không biết thật sự các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá như thế nào, nhưng mình nghĩ điểm GPA sẽ phần nào nói lên con người bạn, rằng bạn có phải là một người có trách nhiệm (Với việc học) của mình không? Rằng bạn có đủ điều kiện để tới vòng test kỹ thuật, vòng phỏng vấn không? Điểm số giống như là tấm vé để bạn đi vào một hội trường, lúc đó năng lực thật sự của bạn sẽ được thể hiện. Mà ngay cả tấm vé mời bạn còn chưa có thì lấy cơ hội đâu để thể hiện bản thân?
Vậy điểm số có quan trọng không?

5. Hoạt động ngoại khoá, có ăn được không?

Nói về hoạt động ngoại khoá, mình nói thẳng là mình không tham gia quá nhiều hoạt động Đoàn - Hội. Mình chỉ lọc ra một vài hoạt động thật sự có ý nghĩa (Cho mình và cho người khác) để tham gia. Ví dụ như hiến máu nhân đạo, vui hội trăng rằm, về với ngoại thành … Đi mấy cái này vừa bổ ích, vừa có trải nghiệm lại giúp đỡ được người khác.
Các hoạt động ngoại khoá này sẽ là điểm nhấn quan trọng trong hồ sơ xin học bổng học tập hoặc học bổng du học.
Ngoài các hoạt đông trong trường, các bạn có thể tìm thêm các hoạt động khác từ các tổ chức từ thiện. Mình đã từng tham gia hoạt động từ thiện của tổ chức phi chính phủ Habitat kết hợp với ĐHQG TP.Hồ Chí Minh, tập đoàn POSCO Hàn Quốc và sinh viên Hàn Quốc để xây nhà tình thương cho người nghèo ở Vũng Tàu. Các hoạt động này rất ý nghĩa và còn giúp bạn có thêm bạn bè, các mối quan hệ sau này.
Các bạn tham khảo thêm tại đây: Habitat for Humanity Vietnam.

6. Học bổng, kiếm ở đâu?

Mỗi kì trường mình đều có rất nhiều học bổng hỗ trợ các bạn:

  • Học bổng khuyến khích học tập dành cho những bạn có điểm học tập cao (Lấy từ trên lấy xuống đến khi hết chỉ tiêu). Hồi lúc năm nhất mình nhận thì giá trị của nó là 2tr5 thì phải, sau đó đến năm tư thì nó tăng lên được gần 4tr 1 kì (Chắc do lạm phát :))). Khoảng tiền này cũng đủ để các bạn chi trả (Phần nào) học phí.
    Thật ra để lấy được suất học bổng này mình nghĩ là không quá khó. Điểm trung bình của các bạn chỉ cần trên 8.0 là đã có cơ hội nhận rồi. Về vấn đề điểm rèn luyện. Mình nghĩ cũng không cần thiết phải dành quá nhiều thời gian để tham gia các hoạt động Đoàn - Hội làm gì, chỉ cần tham gia một vài hoạt động chính (Xem lại mục hoạt động ngoại khoá) và không vi phạm gì đến các ‘giới răng’ của trường (Vắng sinh hoạt công dân, xác nhận lưu trú bla bla gì đó) là đủ điều kiện rồi.
  • Ngoài ra khoa mình cũng có liên kết với các doanh nghiệp để có các suất học bổng khác. Các công ty lớn như KMS, ELCA, CSC, Global Cybersoft, NTTData, GameLoft, VNG… đều có liên kết với khoa mình để trao học bổng hằng kì (Hàng năm) cho sinh viên khoa mình. Giá trị các suất học bổng dao động từ 3tr - 5tr tuỳ công ty.
    Để được các suất học bổng này thì điểm trung bình của các bạn không cần quá cao (Chỉ cần từ 7.5+). Thường thì các suất học bổng này nhắm tới các bạn sinh viên khó khăn trong khoa nên sẽ có yêu cầu (Optional) nộp thêm một giấy xác nhận gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Giấy này thì bạn về UBND quê của bạn xin tờ giấy xác nhận nhé.
    Các suất học bổng này ngoài giá trị vất chất (Tiền đó), một số công ty còn offer cho bạn các cơ hội thực tập (KMS, theo mình biết), hoặc sẽ có thư mời bạn làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Quá sướng phải hem?
  • Thêm thông tin cho các bạn là khoa mình cũng có Quỹ học bổng từ các cựu sinh viên trong khoa dành cho các bạn có hoàn cảnh thực sự khó khăn (Cái này hình như không yêu cầu điểm cao, 7.0+).
    Các bạn sẽ được phỏng vấn với các Thầy/Cô chủ nhiệm Quỹ học bổng, Thầy/Cô sẽ quyết định số phận của bạn :). Theo mình biết thì học bổng này được cấp hàng tháng trong suốt 4 năm học với yêu cầu là bạn phải hoàn thành tốt chương trình học hay sao đó.
    Để thêm thông tin thì bạn vào đây: Quỹ học bổng cựu sinh viên khoa CNTT.

Phía sau là những suất học bổng lớn hơn, đòi hỏi bạn phải có nhiều thành tích hơn (GPA phải thật cao: 8.5+, English tốt: Essay, một số học bổng đòi hỏi bạn phải test kỹ thuật, cống hiến cho xã hội: hoạt động ngoại khoá, bonus thêm: Công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, giải thưởng quốc tế bla bla).
Lúc này những hoạt động ngoại khoá của bạn mới thực sự phát huy tác dụng, những hoạt động phục vụ xã hội, nhắm đến cộng đồng sẽ được ban điều hành đánh giá cao, phần nào biét được nhân cách con người bạn. Các học bổng lớn người ta nhìn nhận con người ở nhiều khía cạnh chứ không chỉ học không, kiểu giống như Tài và Đức phải đi với nhau vậy đó.
Mình list dưới đây chỉ là những học bổng mình đã đạt được thôi nhé, trường mình còn rất nhiều các học bổng khác tương đương, bạn có thể tìm thêm trên trang web của trường:

7. Học như thế nào?

Quan trọng nhất vẫn là chính bạn, sẽ không có một phương pháp học tập nào phù hợp với bạn hết. Bạn phải tự tìm ra nó.
Nhưng lời khuyên của mình dành cho các bạn là nên có một nhóm học tập, đối với mình thì nhóm này không cần phải là những super trong lớp, chỉ cần các bạn chịu khó học chung với nhau (Nhớ nhé, học nhiều hơn chơi), chia sẻ kiến thức với nhau, lâu lâu cho copy code xí =]], vì lượng kiến thức ở Đại Học rất nhiều, đặc biệt là ngành của mình, nên bạn phải có đồng bọn để học chung, với rủ rê cúp học đi xem phim, đi hát Karaoke chẳng hạn. Hồi đó mình ở chung kí túc xá với thím Trương, nó cũng chịu học nên mình đu bám nó để nó chỉ bài cho; hai đứa cắm đầu chạy deadline ngày đêm, nhờ vậy mà cũng khá lên được. (y)
Trong Software Engineering có một khải niệm gọi là Trade-off, nghĩa là bạn phải biết đánh đổi giữa được và mất, giữa chi phí bộ nhớ và thời gian, giữa môn này và môn kia, trong những hoàn cảnh cụ thể, bạn lựa chọn cái nào thì đó là quyết định của bạn :).
*”You can not write perfect softwares. Because a perfect software does not exist. No one in the brief history of computing has ever written a piece of perfect software. It’s unlike that you’ll be the first. And unless you accept this as a fact, you’ll end up wasting time and energy chasing an impossible dream”* (Pragmatic Programmer).
Các bạn cũng tập tư duy phản biện, tức là khi người ta đưa ra một bài toán hay một solution cho bài toán, các bạn phải biết đặt lại câu hỏi, “Tại sao phải làm cách này mà không phải làm cách kia?”, “Cách này có ưu, nhược điểm gì so với cách kia?”, “Làm như thế này sau này có dễ mở rộng hay dễ bảo trì không?”, “Có cách nào thông minh hơn không?” … đại loại là những câu hỏi như vậy.
Việc đặt câu hỏi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề, người nói chuyện với bạn cũng biết là bạn đã hiểu rõ vấn đề nên mới có thể đặt câu hỏi ngược lại, chứ cứ ngồi dạ dạ rồi làm theo mà không biết đúng sai thì lúc đó bạn chưa có cái gọi là Critical thinking.
Một vấn đề nữa là trước khi đặt câu hỏi, các bạn nên tự tìm hiểu thật kỹ về vấn đề này, khi nào tìm không ra hoặc không biết keyword để tìm thì mình mới nên đi hỏi người khác. Mình vừa tiết kiệm thời gian cho người khác (Nhiều khi hỏi ngu quá bị chửi thì cũng đừng trẻ trâu mà gân cổ lên cãi), vừa giúp mình tập tính tự nghiên cứu. Sau này ra đời, sếp giao cho cái task, không biết đường tìm hiểu thì đi hỏi ai? Quay lại hỏi thằng hồi đó học chung à? =]]
Sau đây là một số kênh các bạn có thể tham khảo: Medium, Stack overflow, Quora. Ngoài ra còn có các group học tập trên facebook của khoa, các bạn nên follow các trang này để cập nhập thông tin.
Phương pháp tiếp thu kiến thức trong 1 môn học: cố gắng học kiến thức cơ bản (thuật toán chạy như thế nào, giao thức chạy thế nào, ưu nhược điểm của từng loại cơ sở dữ liệu, …) thay vì tập trung nhiều vào syntax và thư viện.
Và, phải dành thời gian đọc thêm sách, học trên trường kiến thức cho mọi người là như nhau. Vậy cái gì để phân biệt bạn với những người còn lại? Là kiến thức bạn tự lượm nhặt riêng ở ngoài lớp học. Đọc thêm sách sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về vấn đề đã học trên lớp. Nhiều khi thầy trên lớp nói cũng chưa hẳn là đúng hết. Đọc sách thì chưa bao giờ là vô bổ cả :). Sách thì mình có list ra một vài cuốn nổi tiêng ở mục 2.Kiến thức nền ở Đại Học rồi.
Nên nhớ mình là một Engineer chứ không phải là một Coder.

8. “Lương anh có đủ sống hem?”

Câu này là câu hỏi cuối cùng sau khi các bạn đã moi hết các kinh nghiệm học tập của mình. Mình đều trả lời là “Hem” =]]
Như thế nào là đủ? Đủ sống thôi hả? Vậy thì chắc đủ sống rồi vì mình vẫn còn sống mà viết cái bài này này.
Có một câu nói mình thấy rất đúng đó là Theo đuổi đam mê, con nợ sẽ theo đuổi bạnTheo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn“. Khi bạn làm việc hết mình với năng lực của mình thì người khác sẽ nhận thấy nó, sẽ đánh giá đúng những gì bạn đã bỏ ra, và bạn sẽ nhận lại được những gì xứng đáng thôi.
Lại thêm một câu chuyện từ một cuộc phỏng vấn, sau khi hỏi mình mức lương mình mong muốn nhận, chị nhân sự dễ thương mới chia sẻ với mình rằng:

1
2
3
4
Sự nghiệp mỗi người sẽ trải qua 3 giai đoạn:
Mởi tốt nghiệp: Lúc này bạn hoàn toàn trắng tay, hãy tập trung lượm nhặt kiến thức, nâng cao trình độ, theo chân người giỏi để học cái trí, cái tài của người ấy. Tạo thương hiệu cá nhân riêng của mình, cái tên của bạn.
Kiếm tiền: Khi đã có trong tay kiến thức, bạn bắt đầu lao mình vào kiếm tiền.
Sống với đam mê: Lúc này tiền đối với bạn không còn quan trọng nữa, cái quan trọng hơn cả là được làm cái bạn thích, làm cái bạn đam mê, làm cái bạn sinh ra để làm.

Sau cùng thì chị trả lời là “Mức lương em đưa ra cao quá công ty chị hem trả nổi” =]].
Mình kể câu chuyện trên với đám bạn thân, chúng nó nói đấy là thuyết âm mưu để tẩy não sinh viên đó =]].
Riêng mình thì thấy chị nói cũng đúng mà, “Follow your passion and success will follow you.”
Vào ngày tốt nghiệp các bạn sẽ được thầy trưởng Khoa cam kết 100% sẽ tìm được việc sau khi tốt nghiệp nhé, nên các bạn khỏi lo thất nghiệp hay lương bổng nhé (Việc đó cũng có thể là đánh văn bản dạo không chừng :3)

9. Kết

Nói chung, quãng đường Đại Học mà mình đã đi qua, và các bạn sẽ đi qua có lẽ là quãng thời gian đẹp nhất của đời người.
Lúc trước mình vẫn hay nghe các anh khoá trên nói “Đi làm buồn hơn đi học” hay “Giờ ước gì được quay lại 1 tháng lúc học Quốc Phòng, chắc lúc đó quẩy banh cái TT. Quốc Phòng”. Lúc đó mình cũng “Dạ, em cũng thấy vậy”, mà lúc đó đã có trải nghiệm gì đâu mà Dạ như đúng rồi =]].
Bây giờ, đã qua rồi cái thời sinh viên đó, giờ mới thật sự hiểu được tâm trạng của người nói.
Nói dài nói dai, nói tóm lại là 4 năm sẽ trôi qua rất mau, nên các bạn cứ sống chậm lại thôi, từ từ mà tận hưởng deadline với bạn bè. Sau cùng nhìn lại thì nó cũng chẳng là gì cả. NOT A BIG DEAL !!! Cái mà các bạn có được là kỉ niệm thời sinh viên đầy nhiệt huyết :).
By the way, một phút mặc niệm cho sự đóng góp của các thanh niên: Đạp Xích Lô (DevOps & Security Engineer), Cảnh Nguyễn (Back-end Engineer) đã góp ý chỉnh sửa bài viết.

Comments